Người lao động muốn tăng nguồn cung nhà ở xã hội giá rẻ, tăng nhà cho thuê trong khi doanh nghiệp muốn làm nhà ở xã hội lại gặp nhiều rào cản khiến thị trường lệch pha cung cầu. Các rào cản khiến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà cho …
Giải cơn khát nguồn cung nhà ở xã hội, giúp người lao động an cư Read More »
Người lao động muốn tăng nguồn cung nhà ở xã hội giá rẻ, tăng nhà cho thuê trong khi doanh nghiệp muốn làm nhà ở xã hội lại gặp nhiều rào cản khiến thị trường lệch pha cung cầu.
Các rào cản khiến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà cho thuê ì ạch trong thời gian qua chính là quỹ đất, vốn ưu đãi, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế khuyến khích chưa thực chất, đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp “nhảy” vào thị trường này.
Ì ạch tiến độ nhà ở xã hội
Được kỳ vọng là phân khúc căn hộ giải tỏa cơn khát căn hộ đối với người dân đô thị, đặc biệt người thu nhập trung bình, thu nhập thấp và công nhân… nhưng tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương vẫn còn ì ạch.
Ngay cả với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, sau hơn một năm triển khai, số lượng căn hộ tung ra thị trường vẫn nhỏ giọt.
Ông Huỳnh Thanh Khiết – phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – cho biết từ năm 2021 đến quý 1-2024, TP.HCM có 3 dự án nhà ở xã hội toàn tất xây dựng với 865 căn hộ. Hiện có 5 dự án nhà ở xã hội và một dự án nhà lưu trú công nhân đang được xây dựng với quy mô 4.754 căn.
Đến ngày 30-4-2025, TP sẽ tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý cho 37 dự án nhà ở xã hội với quy mô 35.000 căn.
Tuy nhiên, theo ông Khiết, các dự án nhà ở xã hội hiện gặp vướng, liên quan đến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công tác quy hoạch, việc đấu thầu, vấn đề tài chính…
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – cho rằng trong cả quý 1-2024, toàn TP không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng. Chỉ một dự án nhà ở xã hội là dự án cũ đã hoàn thành với 242 căn hộ.
Với những số liệu trên, ông Châu cho rằng phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, nhà lưu trú cho công nhân đang thiếu trầm trọng và thực trạng này còn kéo dài.
Theo ông Châu, tất cả các dự án nhà ở xã hội (kể cả dự án nhà ở thương mại) hiện ách tắc ở thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư khiến các dự án đều vướng ngay khâu pháp lý đầu tiên.
Gỡ pháp lý, doanh nghiệp sẽ xắn tay làm nhà ở xã hội
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đặng Thị Kim Oanh – chủ tịch Kim Oanh Group – cho rằng nhu cầu nhà ở xã hội đối với người lao động hiện rất lớn, đặc biệt ở các tỉnh thành tập trung nhiều khu công nghiệp, tỉ lệ dân nhập cư cao.
Đơn cử Bình Dương, một trong những tỉnh có tỉ lệ lao động nhập cư cao với gần 2 triệu lao động đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và cả nước ngoài. Với nguồn lực lao động này, theo bà Oanh, nhu cầu về nhà ở cực kỳ lớn, đặc biệt các đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Cuối năm 2023, Sở Xây dựng Bình Dương thống kê nhu cầu nhà ở xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 là 115.836 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 61.836 căn, giai đoạn 2026-2030 54.000 căn.
Tuy nhiên, người dân khó tiếp cận tới các dự án nhà ở xã hội do còn vướng chính sách về cư trú, thu nhập và cả yếu tố quan trọng là lượng cung nhà ở xã hội trên thị trường quá ít so với nhu cầu.
“Một số dự án nhà ở xã hội đã xây dựng và hoàn thành chủ yếu cung cấp cho đối tượng công chức, viên chức còn khó khăn về chỗ ở. Còn dân nhập cư, công nhân vẫn còn rất ít người tiếp cận được các dự án này”, bà Oanh nói.
Ở góc độ nhà phát triển nhà ở xã hội, bà Oanh cho hay để xây dựng được nhà ở xã hội, đầu tiên doanh nghiệp cần quỹ đất. Doanh nghiệp mong muốn được nhà nước, các sở ngành liên quan giới thiệu các quỹ đất sạch với chi phí hợp lý để kéo giá thành xuống thấp phù hợp người mua.
Ngoài ra, rất cần sự quan tâm sâu sát, đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời có hành lang pháp lý suôn sẻ hỗ trợ hoàn tất các thủ tục pháp lý để sớm triển khai dự án.
“Các ngân hàng cần đẩy mạnh hỗ trợ chủ đầu tư có đủ nguồn vốn để xây dựng, phát triển dự án nhà ở xã hội và người mua được tiếp cận với nguồn vay lãi suất thấp để dễ dàng sở hữu căn nhà của mình”, bà Oanh nói.
Tương tự, theo ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc Công ty Xây dựng – Thương mại Lê Thành, cần đẩy nhanh các thủ tục phát triển dự án nhà ở xã hội bởi hiện các doanh nghiệp đang mất quá nhiều năm để thực hiện các thủ tục hành chính làm nhà ở xã hội.
Ông Nghĩa đề xuất cần tháo gỡ nhanh pháp lý để tăng nguồn cung nhà ra thị trường, đồng thời có các chính sách hiệu quả về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi thực chất cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà.
Liên quan vấn đề, ông Lê Hoàng Châu đề nghị cần nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 11 triệu đồng lên 15 triệu đồng đối với người lao động và từ 4,4 triệu đồng lên 5,5 triệu đồng đối với người người phụ thuộc, đồng thời nâng mức chịu thuế bậc 1 lên 75 triệu đồng/năm thay vì chỉ 60 triệu đồng/năm như quy định hiện hành để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, giúp người lao động tiếp cận với nhà ở xã hội.
Doanh nghiệp sẽ tung hàng ngàn căn nhà ở xã hội ra thị trường Bà Đặng Thị Kim Oanh cho biết doanh nghiệp này đang sở hữu quỹ đất sạch lên đến hơn 500ha tại khu vực phía Nam. Tất cả các dự án này đều tọa lạc tại những vị trí có giao thông kết nối thuận tiện, liền kề các khu công nghiệp lớn. Kim Oanh dự kiến xây dựng 19 dự án nhà ở xã hội với khoảng 50.000 sản phẩm trên tổng quỹ đất 95ha, tổng vốn đầu tư 52.000 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2022 – 2026 sẽ thực hiện 13 dự án với 30.000 sản phẩm tại Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Giai đoạn 2 từ 2026 -2030 sẽ thực hiện tiếp 6 dự án với 20.000 sản phẩm tại Bình Dương, Đồng Nai. Đồng thời, ra mắt dòng sản phẩm nhà ở xã hội chuẩn Singapore tại Bình Dương vào tháng 6-2024 với 1.680 căn hộ và 1.667 căn nhà liên kế. Tại TPHCM, doanh nghiệp này cũng đang tìm kiếm thêm quỹ đất phát triển các dự án nhà ở xã hội. |