Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông cấp quốc gia được đầu tư trong thập niên tới, đồng thời kết nối vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và miền Tây, Đồng Nai sẽ là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực phía Nam về phát triển kinh tế. Do đó, quy hoạch …
Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông cấp quốc gia được đầu tư trong thập niên tới, đồng thời kết nối vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên và miền Tây, Đồng Nai sẽ là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực phía Nam về phát triển kinh tế. Do đó, quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp huyện phải đi trước để đón đầu.
Các địa phương sẽ có nhiều thay đổi trong giai đoạn tới là TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Long Thành. Vì khi cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, Dầu Giây – Liên Khương, cầu Cát Lái… được xây dựng và đi vào khai thác, sẽ tạo sức bật lớn để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, đô thị.
Huyện Nhơn Trạch tương lai sẽ là thành phố, quy hoạch sử dụng đất có nhiều thay đổi. Trong ảnh: Mô hình trung tâm TP.Nhơn Trạch trong tương lai
Dự báo trước từng giai đoạn
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với lợi thế là cửa ngõ giao thông của khu vực phía Nam, Đồng Nai trong giai đoạn 2021-2030 sẽ có những đột phá trong phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa sẽ nhanh hơn nhiều tỉnh, thành trong khu vực.
Do đó, trong quy hoạch SDĐ cấp huyện của 10 năm tới phải dự báo trước được những lợi thế từ các công trình hạ tầng giao thông để bổ sung quy hoạch các loại đất cho phù hợp. Quy hoạch SDĐ cấp huyện cần đi trước một bước để sau này khi các dự án lớn về giao thông hoàn thành sẽ đón đầu được nhiều doanh nghiệp đến các địa phương trong tỉnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục…
Ông Lê Hữu Đảng, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom chia sẻ: “Trong giai đoạn 2021-2030, huyện sẽ phấn đấu đưa 11 xã thành phường và lên thị xã. Sau đó, từng bước phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Vì thế, trong quy hoạch SDĐ giai đoạn tới sẽ điều chỉnh nhiều, trong đó bổ sung nhiều diện tích đất cho hạ tầng giao thông, đất công nghiệp, sản xuất kinh doanh, đất ở”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, Đồng Nai là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, do đó quy hoạch SDĐ, quy hoạch xây dựng và một số quy hoạch khác đôi khi không theo kịp tốc độ phát triển. Khi triển khai các dự án lại phải mất nhiều thời gian đợi điều chỉnh quy hoạch SDĐ. Chờ đợi lâu nhiều khi sẽ làm mất đi cơ hội của người dân, doanh nghiệp.
Đơn cử như thời gian qua, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư dự án du lịch sinh thái trên địa bàn các huyện Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu nhưng liên quan đến đất lúa, đất rừng nên phải đợi điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến 2-3 năm. Nhiều doanh nghiệp chờ lâu sẽ rút vốn đầu tư đi nơi khác, như vậy địa phương sẽ mất đi cơ hội phát triển du lịch, tăng nguồn thu cho người dân và ngân sách nhà nước.
Sẽ thay đổi khi cần thiết
Hiện nay, diện tích đất cho thuê trong các khu công nghiệp của Đồng Nai còn rất ít. Trong giai đoạn tới, tỉnh dự tính sẽ mở mới thêm 5 khu công nghiệp và mở rộng một số khu công nghiệp hiện hữu. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng quy hoạch hơn 20 dự án du lịch, 253 dự án giao thông, 300 dự án khu dân cư, hơn 100 dự án thương mại… Các huyện, thành phố đang rà soát lại các công trình, dự án xem mức độ triển khai trong giai đoạn tới còn phù hợp hay không để đưa vào quy hoạch SDĐ. Trường hợp dự án không khả thi hoặc lỗi thời sẽ được đưa ra khỏi quy hoạch SDĐ, bổ sung những dự án mới cho thích hợp.
Chủ tịch UBND H.Long Thành Võ Tấn Đức cho hay: “Quy hoạch SDĐ của H.Long Thành sẽ được điều chỉnh lớn so với giai đoạn 2016-2020, vì phải tính đến chuyện đón đầu cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đường cao tốc. Bên cạnh đó, trong vài năm tới, huyện trở thành thị xã nên việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật cũng phải tính toán lại. Quy hoạch SDĐ cấp huyện sẽ là tiền đề thực hiện những quy hoạch khác nên quá trình thực hiện phải cẩn trọng”.
Tuy nhiên, đối với quy hoạch SDĐ cấp huyện giai đoạn 2021-2030, cần có cái nhìn tổng thể để liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Như vậy, khi quy hoạch SDĐ được tỉnh phê duyệt, các dự án thực hiện xong mới phát huy hết những lợi thế và tránh vướng mắc, gây khó khăn cho công tác quản lý lẫn người dân, doanh nghiệp. Chẳng hạn như trước đây H.Trảng Bom quy hoạch khu đất xã Cây Gáo giáp ranh xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) là vùng chăn nuôi tập trung, song phía H.Vĩnh Cửu lại quy hoạch khu xử lý rác, sau khi 2 dự án đi vào hoạt động đã gặp phản đối gay gắt của các trang trại chăn nuôi vì ô nhiễm. Vụ việc trên UBND tỉnh phải mất một thời gian dài mới giải quyết xong.
Vậy nên quy hoạch SDĐ cấp huyện trong 10 năm tới rất quan trọng, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và tỉnh.
|